Tuesday, July 7, 2009

Trần Văn Thân: Người biệt kích bất tử



1974 - 1975 : Những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Lợi dụng đường mòn Hồ Chí Minh đã bị bỏ ngỏ và những điều khoản bất công phi lý trong bản Hiệp định ngưng bắn do Hoa Kỳ sáng tạo, nên Cộng Sản Bắc Việt đã di chuyển gần hết các Sư đoàn chủ lực vào Miền Nam, uy hiếp các tỉnh địa đầu giới tuyến thuộc QD1, đồng thời bao vây Cao Nguyên Trung Phần, thuộc lãnh thổ Vùng II Chiến thuật với ý đồ tấn công cưỡng chiếm VNCH, ngay khi Quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh đã rút hết về nước, phủi tay trước những cam kết của nhiều đời tổng thống Mỹ, đã ký hứa giúp đỡ Miền Nam VN, chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế, do Bắc Việt đảm nhận suốt cuộc chiến tương tàn, sau khi chia hai VN vào tháng 7-1954.

Trước tình hình nguy ngập của đất nước, gần như tính bằng ngày. Thế nhưng QLVNCH vẫn không bỏ cuộc và dù biết đang phải chiến đấu trong cô đơn đầy thiếu thốn, mà mạng sống của người lính ngoài chiến trường, thì mỏng manh hơn bao giờ hết. Vậy mà chẳng ai nghĩ tới chuyện đào ngũ, bỏ trốn ra ngoại quốc, cho dù người Mỹ đã cố tình tiết lộ việc di tản cho một số quan chức có quyền hành tại Sài Gòn. Cao cả và đáng kính trọng khâm phục nhất, cũng vẫn là những người Lính thuộc Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, trong đó bao gồm Các Toán Công Tác Xâm Nhập thuộc các Ðoàn Công Tác và các Ðoàn Liên Lạc của Nha Kỹ Thuật/Bộ TTM/QLVNCH, vẫn tiếp tục tiến hành công tác xâm nhập vào những mục tiêu nguy hiểm nhất, chẳng khác nào nhiệm vụ ám sát toàn quyền Pháp là Merlin, của Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái tại Hồng Kông vào năm 1924. Có thể nói được, đây là cuộc đổi mạng của người lính cảm tử LLÐB giữa chốn ba quân, để mang về cho QLVNCH, những tin tức tình báo chiến lược, được cập nhật hóa tại chỗ đóng quân của giặc. Nhờ đó mọi cấp chỉ huy tại các vùng chiến thuật, mới nắm vững được tình hình và hoạt động của địch, để ta điều nghiên ứng phó.

Ðoàn Công Tác 75 trách nhiệm vùng II Chiến thuật, với những nhiệm vụ đặc biệt kể trên... Quân số của Ðoàn, có 9 Toán Thám Sát, mỗi toán gồm một Sĩ Quan Trưởng toán, năm Hạ Sĩ Quan Chuyên Viên và các toán viện công tác. Quân số này tùy theo nhiệm vụ giao phó, nên số nhân viên công tác tăng hay giảm với nhu cầu. Ít ai biết tới sự hy sinh cao cả nhưng âm thầm của những người Lính LLDB trên, chỉ riêng những ngày đen tối 1974-1975, đã có tới bảy trong chín Sĩ Quan Trưởng toán, đã hy sinh tại chiến trường máu lửa, trong chốn ba quân, phần lớn bị banh thây bầm xác vì bom đạn và lòng căm thù tuyệt đỉnh của giặc. Số khác mất tích, bởi không một ai chịu đầu hàng để mà sống nhục. Chết thì chết, những Toán còn lại vẫn tiếp tục bổ sung và tiến hành công tác hiểm nguy cho đến những giây phút cuối cùng, phải rã ngũ vì lệnh đầu hàng VC, do Tổng Thống Dương Văn Minh ban hành vào trưa 30-4-1975.

Cố Trung Úy Trần Văn Thân: Ông sinh năm 1942 tại Phú Trinh Phan Thiết,Tỉnh Bình Thuận, cựu học sinh trung học tư thục Bạch Vân và Bồ Ðề. Nhập ngũ tháng 10-1962, cùng với Ðặng Ken, Cao Minh, Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn Văn Ðại, Trần Khói Hương... Các bạn Minh, Ðại, Nghĩa cùng Thân kẻ trước, người sau đền nợ nước, Trần Khói Hương chết sau khi ra tù CS, chỉ còn Ðặng Ken trước là cận vệ của Tướng Ðặng Văn Quảng Tư Lệnh LLDB... sống già nơi quê hương Phan Thiết. Thân ra trường tháng 3-1963 và về Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, năm đó trú đóng tại Nha Trang. Ông cũng là võ sư cao cấp của Thái Cực Quyền, vì vậy được chọn về Ðơn Vị Quân Cảnh của Bộ Tư Lệnh LLÐB.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Trần Văn Thân là trưởng toán thám sát thuộc Ðoàn Công tác 75, có nhiệm vụ xâm nhập vào các vị trí đóng quân của Các Ðại Ðơn Vị Cộng Sản Bắc Việt, để thu nhặt cập nhật hóa tin tức tình báo chiến lược. Theo tin tức của những đồng đội hiện còn sống sót tại hải ngoại cho biết Thiếu Úy Trần Văn Thân, đã bị mất tích vào Mùa Hè 1974 vì bị giặc săn đuổi, ông đã bơi qua một con sông nước chảy xiết nên chết mất xác. Những giây phút thảm tuyệt này, đã được một nhân viên mang máy may mắn được sống sót kể lại. Vậy mà từ ấy cho đến nay những người thân trong gia đình, thảm nhất là mẹ ông là bà Ngô Thị Dân ở Phan Thiết, cùng với người vợ trẻ tên Nguyễn Thị Liễu với ba con thơ dại tại Sài Gòn, lúc nào cũng ngong ngóng hy vọng là con và chồng-cha mình, vẫn còn sống trong các trại tù đâu đó, rồi cũng sẽ trở về như nhiều bạn bè của Thân cùng đơn vị và quê Phan Thiết. Cứ chờ đến nỗi mẹ già khóc mù cả hai mắt rồi gục chết vào năm 2000, nhưng vẫn không ngớt gọi tên đứa con thân yêu của mình. Riêng người vợ trẻ thay chông nuôi con, ở vậy cho tới khi tất cả khôn lớn vào đời, còn mình thì cứ ôm ấp hình bóng của người chồng cũ, vẫn sống trong những di ảnh thân thương nguyên vẹn, mà chàng thì biền biệt tận phương nào?

Chuyến công tác cuối cùng của cố Trung Úy Trần Văn Thân


Thi hành công tác được Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II giao phó, với nhiệm vụ thâu thập tin tức về các hoạt động của địch quân đang hiện diện trong lãnh thổ, thuộc vùng chiến thuật. Toán Thám Sát do Thiếu Úy Trần Văn Thân làm trưởng toán, nhận lệnh thi hành công tác bí mật tại Ðèo An Khê, nằm trên Quốc Lộ 19, giữa đường từ Bình Khê đi An Túc, thuộc Tỉnh Bình Ðịnh. Lúc đó vùng này, coi như một chiến trường đẫm máu, giữa Sư đoàn 3 Sao Vàng của Cộng Sản Bắc Việt và Sư đoàn 22 Bộ Binh của QLVNCH. Ðịch quân hiện diện cả một vùng rộng lớn trong lãnh thổ các Quận Bình Khê, An Túc, Hoài Ân, An Lão... mà dấu hiệu để lại tại chỗ, là việc cán binh đào xới sạch lán những nương khoai, rẫy mì của đồng bào Bà Na trong vùng, để làm lương thực nuôi quân.



Theo tin tức ghi nhận, thì Toán Thám Sát của Thiếu Úy Thân đã chạm địch từ những giây phút đầu, vì lọt vào Bộ Tư Lệnh của SD 3 Sao Vàng, bên cạnh có một trung đoàn bảo vệ. Tuy vậy họ đã chống trả mãnh liệt trước quân số hàng ngàn của Cộng quân, thêm vào đó còn có cả trời phòng không của Nga Xô và Trung Cộng viện trợ, trong lúc Toán Thám Sát của Thân, vỏn vẹn chỉ có sáu người. Nhưng cuộc đời của người lính VNCH là vậy đó, nhất là những người lính cảm tử LLDB. Bởi vậy, các cấp chỉ huy liên hệ, chỉ còn biết nghe đồng đội của mình, qua tiếng báo cáo với đại bàng, là đơn vị đang chạm địch nặng, cùng lúc với tiếng súng lớn nhỏ và lựu đạn nổ, xen lẫn tiếng hô xung phong, vang lên từng đợt trong ống liên hợp. Cùng hòa tấu trong điệu ru nước mắt này, là tiếng đạn phòng không nổ tung tại một vùng xa xôi nào đó, nhưng âm hưởng truyền qua máy, cũng đủ làm rách tai người hiệu thính viên đang trực. Cuối cùng là tiếng thét của Thiếu Úy Trưởng toán Trần Văn Thân 'Zulu - Zulu' Âm thanh càng lúc càng nhỏ dần và tan biến vào trận địa, lúc đó vẫn còn vang tiếng súng ở một góc trời.

Vậy mà hơn 34 năm sau, dường như tiếng thét cuối cùng của người Lính Trận: Cố Trung Úy LL Trần Văn Thân, vẫn còn vang vọng đâu đây, bảo sao những người thân của ông, cứ vẫn tin là con, chồng và ba của mình còn sống, nay đang ở nơi nào đó, mai sẽ về...!

Sau khi nhận được tin dữ về Toán Thám Sát của Thiếu Úy Thân, Nha Kỹ Thuật đã phối hợp với không quân, hằng ngày tiếp tục lên vùng tìm kiếm dấu vết của những người sống sót đang ẩn nấp trong rừng sâu, từ ánh sáng của kiếng chiếu rọi lên, hoặc Panô (Panel), hay hỏa châu cấp cứu, cũng như bất cứ tín hiệu truyền tin nào, của Toán thất lạc nhưng tất cả đã ra đi không hẹn ngày về.

Ðại Úy Nguyễn Hùng Trâm (hình bên, hiện ở Mỹ), Liên Toán trưởng thuộc Ðoàn 75 Công tác, vô cùng cảm xúc khi đọc bài viết về Cố Trung Úy Trần Văn Thân, vì chính ông là người đã bay thả toán thám sát của Trần Văn Thân tại đèo An Khê, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là thời gian nguy ngập nhất của chiến trường này, nên chỉ vỏn vẹn một tháng ngắn ngủi, mà Ðoàn Công Tác 75 đã mất 3 toán thám Sát LLDB trong khu vực này. Theo báo cáo, thì Toán của Thân đụng độ với một Trung Ðoàn thuộc SD 3 Sao Vàng, ngay khi vừa nhảy xuống, với nhiệm vụ chặn bắt một Bác Sĩ VC ở đầu đường mòn. Tên này sau đó cũng bị toán thám sát của Trung Ðoàn 45 thuộc SD23BB/VNCH , chân ở phía cuối đường đã bắt được, giải giao cho Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Khu và được trực thăng chở về Pleiku khai thác.

Còn sống sót trong 7 toán thám sát thuộc Ðoàn 75 bị thất lạc, là Thiếu Úy Vũ Văn Quyền cũng xác nhận là Thiếu Úy Trần văn Thấm đã mất tích vào năm 1974. Xin nghiêng mình tri ân những người đã hiến thân cho đất nước và dân tộc Việt. Thảm thương ơi cho thân phận người lính VNCH, một đời vì nước-dân, màu cờ sắc áo, bảo vệ cho đạo pháp tại Miền Nam, thế nhưng nay có còn được bao nhiêu người nhớ tới.

Phạm Hòa / Toán công tác 723

Biệt Kích “Chuột Nhắt” Nguyễn Văn Tính



Khởi đầu, tôi gia nhập Đoàn Kỵ Binh của Pháp năm 1953. Nam dinh Sau trận Điện Biên Phủ, Đoàn Kỵ Binh di tản về Hà Nội để sửa soạn xuống tầu đi Tunisie, ai không muốn đi thì có quyền ở lại quê nhà. Tôi xin về quê và theo giáo xứ di cư vào Nam năm 1954, sống ở Thừa Thiên.
Khi được tin “Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung” đang cần tuyển những thanh niên có tinh thần chống cộng và có kinh nghiệm chiến trường, tôi được Cha Bình, địa phận Thừa Thiên giới thiệu với Ông Ngô Đình Cẩn. Tôi được nhận vào đoàn ngay và được huấn luyện trở thành một “Điệp Viên”, với nhiệm vụ là tìm và bắt những cán bộ Việt Cộng được gài lại hoặc núp bóng dân tỵ nạn vào Nam để phá hoại.
Làm việc với Đoàn công tác một thời gian, tới năm 1959, tôi được thuyên chuyển qua “Sở Khai Thác Địa Hình” , “Sở Bắc” do Đạt Tá Trần Văn Hổ làm chỉ huy trưởng, sau này đổi tên thành “Nha Kỹ Thuật” của Phòng 7 Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Kỹ thuật mà “Nha” này đảm trách, không phải là kỹ thuật về sửa chữa máy móc dành cho xe nhà binh, tầu chiến, mà là kỹ thuật sử dụng máy truyền tin, chất nổ . v. v. dùng trong điệp vụ phá hoại miền Bắc. Quê tôi ở miền Bắc, khi di cư vào Nam, tôi và tất cả mọi người dân di cư đều mơ đến một ngày cùng đại quân quay về chiếm lại miền Bắc thống nhất đất nước. Đây là dịp may cho tôi để thực hiện giấc mơ này. Mọi việc đang tiến triển khả quan thì xẩy ra đảo chánh, mọi điệp vụ đều bị ngưng lại.
Đến năm 1964, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chủ trương đánh ra Bắc để chuyển chiến trường về miền Bắc, để buộc bọn Việt Cộng phải đem quân trở về bảo vệ đất đai của chúng, do đó, các toán biệt kích lại được gởi ra Bắc để làm đầu cầu tiến quân.
Từ Huế, tôi được gởi đi học khóa huấn luyện biệt kích ở Long Thành. Chương trình kéo dài trong 12 tháng, bao gồm 5 môn học chính:
Phá hoại - Tâm lý chiến - Vũ khí - Nhẩy dù và Truyền tin.
Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện là một trong những Huấn Luyện Viên của chúng tôi. Mỗi khi học môn học nào, chúng tôi được gởi đi tới trường chuyên môn để học chung với các khóa sinh khác. Ví dụ như: Học truyền tin, chúng tôi được gởi đi Trung tâm huấn luyện Truyền Tin ở Vũng Tầu. Học nhẩy dù, chúng tôi học ở trại Hoàng Hoa Thám, chung với các chiến binh của Sư đoàn Nhẩy Dù. .v . . v.
Mãn khóa học, tôi được đưa ra phi trường để bay tới Nha Trang. Tại đây, tôi được xe đưa về ở nhà của Thượng sĩ Phú, ANQĐ của Sư Đoàn 2 và được gặp tất cả 8 biệt kích quân của toán “Lôi Hổ - Thundering Tigers”. Đi chơi lòng vòng ở Nha Trang một ngày, tới chiều hôm sau, lúc 3pm, toán chúng tôi được bay qua Thái Lan, rồi đổi máy bay C47 để bay ra Bắc. Đúng 12am, toán Lôi Hổ đã có mặt trên vòm trời biên giới của ba tỉnh Mộc Châu, Lai Châu, Sơn La. Toán chúng tôi gồm có:
Trưởng Toán: Đinh Công Châu,
Phó T Toán: Bùi Văn Giao,
Cố Vấn: Nguyễn Văn Tính,
Toán viên: Hoàng Văn Giám,
Toán Viên: Hoàng Văn Thế,
Toán Viên: Đinh Viết Lam,
Truyền Tin: Nguyễn Văn Thái,
Toán Viên: Dương Văn Liễu,
Nhiệm vụ: Thám sát, phá hoại, lập đầu cầu.
Trang bị: Tỉểu liên hãm thanh 32 viên, súng colt 9mm hãm thanh 14 viên và 4 tấn dạn dược thuốc nổ, thức ăn khô.
Địa điểm tập trung: Căn cứ Biệt Kích ở Lai Châu.
Khi dù đang lơ lửng trên không, tôi đã nghe có tiếng chó sủa. Rơi xuống đất, chưa kịp cuốn dù là tôi đã nhìn thấy những ánh đèn pin và chó sủa thật gần: Chúng tôi có thể đã bị lộ và đang bị bao vây? Vì nhẩy ở rừng, tất nhiên là tôi bị vướng vào cây, phải dùng lưỡi lê cắt dây dù để nhầy xuống. Để cho nhẹ nhàng khi nhẩy dù, chúng tôi chỉ mang theo nguời một cấp số đạn cho khầu tiểu liên và súng colt, do đó, chuyện cần thiết khi xuống đất là phải tìm cho ra người truyền tin và đồ đạc được thẩy ra cùng với anh ta. Nhưng bọn Việt Cộng đã tới gần quá, tôi chỉ còn kịp cắt dây cột súng ra để chiến đấu mà thôi. Địch quân rất đông, đông lắm, lại thêm chó săn nữa! Trưởng toán Đinh Công Châu và phó toán Bùi Văn Giao cố gắng cản hậu cho anh em rút lui, đã bị trúng đạn. Anh Giao bị tử thương, Thái bị thương, chúng tôi vừa bắn vừa tìm đường tẩu thoát, mỗi người một nơi.
Tôi vượt thoát vào rừng sâu, ngày ngủ đêm di chuyển. Địa điểm tập trung coi như đã bị lộ, tôi chỉ còn cách nấn ná tìm anh em rồi rút về phía biên giới Lào để tìm đuởng liên lạc với căn cứ xin trực thăng bốc về. Qua ngày thứ 10, tôi vẫn không tìm được ai trong số 7 người còn lại. địch vẫn bám sát, tôi bắn hết đạn, đành phá hủy hết tài liệu và dụng cụ còn lại. Bọn Việt Cộng đã tìm ra tôi, nhưng chúng không dám xung phong bắt sống tôi, mà chỉ bao vây chung quanh ra lệnh cho tôi đầu hàng. Tôi nhào vào bọn chúng bắn những viên đạn cuối cùng rồi lẩn vào rửng sâu, nhưng bọn chúng đã ào lên chĩa súng vào tôi sẵn sàng nhả đạn.
Đời Biệt Kích của tôi chấm dứt từ đây!
Chúng bịt mắt, trói tay tôi dẫn đi về căn cứ của chúng. Tôi bị thương, lại nhịn ăn suốt 10 ngày trời, nên đi bộ rất chậm. Đi đuợc khoảng một tiếng đồng hồ, tôi vờ ngã gục, không đi được nữa. Mục đích của tôi là nằm nghỉ lấy sức và tìm dịp chúng sơ hở là chạy trốn. Mặc dù tôi đã nằm một đống dưới đất, nhưng bọn chúng vẫn cẩn thận, đứa nào cũng lên đạn lắc cắc chĩa vào tôi. Có mấy đứa dùng báng súng đánh vào đầu vào mình tôi thê thảm. Tôi vùng lên dựt một báng súng đánh lại. Tên chỉ huy ra lệnh cho tôi:
“Thằng biệt kích ngụy, mày không được chống lại bộ đội nhân dân. Bỏ súng xuống, không thì “ông” bắt mày chết tươi đấy!”
Tôi biết nó dọa thôi, chứ không dám bắn, vì phải đem tôi về mà thẩm vấn. Tôi nắm chặt cái báng súng, nói lớn:
“Tôi đã bị bắt làm tù binh rồi, đã bị trói tôi rồi, các anh không đuợc đánh tôi.”
Tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính không đánh tôi nữa, nói cả bọn ngồi chờ đó để hắn xin lệnh thượng cấp. Một lúc sau, có xe tới đưa tôi và cả bọn đi. Đi đâu thì đuơng nhiên là tôi không biết rồi, nhưng chung quanh toàn là rừng núi, có về thị xã thì ít nhất cũng phải mất nửa ngày.
Tôi tỉnh đậy khi bọn chúng khiêng tôi thẩy đùng xuống sàn đất đau điếng. Cả người tôi tê rần, nhức buốt. Tôi đã thuộc lòng những lời khai cần thiết khi bị bắt, nên không ngại, chỉ suy nghĩ về những anh em khác, họ có bị bắt như tôi không? Khi tản hàng, chạy mỗi người một ngã, tôi nghe tiếng súng tứ phía, nên không biết tình hình ra sao, chỉ mong rằng anh Thái truyền tin còn đủ thời gian để gởi gấp tín hiệu “Đã bị lộ” cho trạm liên lạc ở Lào, để toán này gởi tin về cho trung ương ngay, kịp thời thay đổi cách thức và nơi xâm nhập cho toán đi sau.
Tôi không biết số phận của những toán đã xâm nhập trước tôi ra sao? Tôi chỉ đuợc nghe rằng các toán trước đã xâm nhập thành công và vẫn gởi tin về đều đều. Như vậy là chỉ có toán của tôi là xui xẻo bị lộ? Tôi nhất quyết không khai bất cứ điều gì có hại tới đại cuộc. Người lính biệt kích trước khi ra trận đã chấp nhận không trở về, vậy thì hãy chấp nhận thương đau đi. Sống ngẩng mặt trông lên, chết khôn thẹn với luơng tâm. Mai này, nếu còn đường trở về, sẽ lại ngẩng cao mặt với đời. Hơn nữa, tôi đã được cho biết kỹ càng: Chúng tôi là điệp viên, không số quân, không căn cước, không đơn vị, không cấp trên. Nếu lỡ bị bắt, sẽ không đơn vị nào nhìn nhận chúng tôi, không chính phủ nào bảo bọc chúng tôi. Công việc của chúng tôi làm là do tự nguyện, vì lòng yêu nước, vì thù hận bọn cộng sản dã man cam chịu làm tay sai cho bọn cộng sản quốc tế mà nhuộm đỏ cả miền Bắc, nay còn gởi quân xâm chiếm miền Nam với mục đích truyền bá chính sách cộng sản.
Từ khi bị bắt, bọn chúng không cho tôi một giọt nước, một hột cơm: Không thành vấn đề! Nhưng tôi chưa nghĩ xong mọi chuyện thì bọn VC đã bắt đầu lôi tôi ra thẩm vấn. Bọn chúng buộc hai tay tôi giang ra xa, bắt tôi ở thế đứng nhìn thẳng vào bọn thẩm vấn. Tên thẩm vấn đầu tiên hỏi tôi:
-Thằng biệt kích ngụy, tên mày là gỉ? Quê quán ở đâu? Đơn vị nào? Có bao nhiêu người cùng xâm nhập về Bắc?
- Tôi tên Nguyễn Văn Tính, đã cùng anh em nhẩy ra Bắc để giải phóng quê hương của tôi ra khỏi ngục tù cộng sản. Cấp trên ra lệnh, chỉ biết tuân hành, không biết gì hơn.
Mặc cho bọn chúng nổi cơn lôi đình, nạt nộ, dọa nạt, tôi nhất định chỉ khai có bấy nhiêu.
“Thằng biệt kích ngụy ngoan cố. Mày không cần khai, tao cũng biết mày do bọn Mỹ ngụy đầy ra Bắc để chết. Làm sao mà chúng mày có thể lấy được tin tức gì của chúng tao! Đánh cho chết nó đi!
Mặc cho chúng đánh, mặc cho chúng dùng bất cứ cực hình nào, tôi cũng chỉ có câu trả lời:
-Là lính biệt kích, chỉ biết tuân lệnh cấp trên, không biết gì hết, vì không ai cho biết gì cả!
Đêm tới, bọn chúng lại thẩy tôi lên xe bít bùng chạy nữa. Đây là giây phút thoải mái nhất từ ngày bị bắt: Tôi được tự do ngủ bù, không bị phiền phức gì nữa, ít nhất cho tới khi tới địa điểm mới.
Tới nơi, tôi vẫn không biết là chỗ nào, tất cả đều tối om như mực, và chúng vẫn bịt mắt tôi. Chỉ biết là nơi đây sàn đá rất kiên cố. Đưa tôi vào phòng giam rồi, chúng mới cởi khăn bịt mắt của tôi ra, dùng cùm chữ U xỏ hai chân tôi vào, khóa lại kỹ càng rồi bỏ đi ra. Sáng hôm sau, khi ánh sáng tràn vào, tôi mới nhìn rõ nơi bị giam: Đó là một căn phòng biệt lập kín mít, chỉ có một của ra vào và một cửa sổ nhỏ có song sắt ở trên cao. Sau khi được cho ăn sáng, bọn cai tù đưa tôi lên tra vấn. Sau khi kê khai tên tuổi, bọn chúng hỏi tôi:
“Mật mã của anh là gì?”
“Tôi không nhớ, nên đã ghi vào một tờ giấy để trong áo khoác. Các ông đã lột áo của tôi rồi, hãy kiếm ở trong đó sẽ có. Còn bây giờ thì tôi quên rồi, không thể nhớ ra được.”
Thực sự thì có ai lại đi ghi mật mã của mình vào giấy bao giờ! Tôi nói là nói vậy thôi, chứ còn tôi thuộc nằm lòng nó từ lúc học truyền tin lận. Biệt kích mỗi người được gọi bằng một ám số riêng. Khi báo cáo về trạm liên lạc, phải nói con số này trước để kiểm soát. Nếu đúng thì mới có thể liên lạc tiếp được. Nếu không đúng, điện đài sẽ cúp máy ngay.
Chắc chắn là bọn chúng đã kiểm soát rất kỹ cái áo ngoài của tôi rồi và không thấy gì cả. Nhưng khi tôi trả lời như vậy, tên trưởng toán thẩm vấn cũng không nói gì cả.
Tiếp theo chúng hỏi tôi những câu thông thường:
-Quê quán của anh ở đâu? Trưởng toán của anh là ai? Toán của anh có mấy người?
Quê quán thì chắc chắn là tôi trả lời không đúng sự thật rồi, còn mấy câu hỏi sau, tôi cứ theo sự thật mà trả lời, vì chúng có thể đã biết rồi.
Đến khi chúng hỏi tôi:
-Tại sao lại theo miền Nam để về chống phá cách mạng?
Thì tôi trả lời ngay:
-Miền Bắc của các anh sống trong chế độ Cộng Sản, kìm kẹp đàn áp con người mất tự do, bóc lột người dân tới tận cùng cực khổ nghèo đói. Chúng tôi có nhiệm vụ trở về miền Bắc để giải phóng người dân Việt khỏi ách Cộng Sản.
Bọn chúng đập bàn đập ghế tranh cãi với tôi tới sùi bọt mép, nhưng cũng không làm sao dụ dỗ tôi theo chúng được. Chúng phải biết là những biệt kích đều là những người có tinh thần chống Cộng cao độ, gia đình đã từng bị bọn Cộng Sản giết hại. Trước khi nhẩy ra Bắc, chúng tôi đã được học một khóa tâm lý chiến, biết rõ căn bản của chủ nghĩa Cộng Sản, thì làm sao chúng có thể tuyên truyền tẩy não chúng tôi được!
Cứ một tuần hai lần, chúng gọi tôi lên hỏi cung, chứ không ghi chép hoặc bắt kê khai giòng họ, gia phả gì cả. Chắc chúng cũng đã biết, biệt kích đã được học cách trả lời rồi, nên chẳng mất công đâu mà hỏi dài giòng. Bọn chúng cho tôi ăn mỗi ngày ba bữa, tiêu tiểu vào trong một cái bô, đến chiều được mở cùm ra đi đổ bô khoảng mười phút, mỗi tuần được tắm một lần.
Khi đã phục hồi sức khỏe, tôi đã thử rút chân ra khỏi cùm. Cái cùm hình chữ U có then ngang, tôi nhỏ con, nên cái cùm không ăn nhằm gì với tôi cả. Tôi thử rút chân ra, hơi nhúc nhích cái chân một chút là tôi đã có thể rút cả hai chân ra khỏi cùm một cách dễ dàng. Tôi thử bỏ chân trở lại cái cùm, cũng không có gì khó khăn, nên yên chí rút chân ra đi vòng vòng trong nhà giam. Khi đã gần đến giờ bọn bọn cai tù tới, tôi lại đút hai chân vào cùm ngồi rất ngoan ngoãn. Có lúc tôi thử nhẩy lên cao nhìn ra ngoài, chỉ thấy nhiều dẫy nhà khác cũng bằng đá ở chung quanh. Có lần tôi cũng đã tìm cách rờ thử trần nhà xem có thể dùng vật nhọn đục thủng trần nhà để thoát ra ngoài hay không? Trần nhà đã có nhiều vết đục từ trước, tôi thử đục tiếp theo thì thấy cát từ trên trần nhà rới xuống nhiều lắm. Tôi vội vàng nhẩy xuống không dám đục thêm, tìm cách hót đám cát này vứt ra ngoài cửa sổ, vì cát rơi xuống sẽ bị bọn cai ngục nhìn thấy, sẽ bị đòn thê thảm. Sau này, tôi mới biết trại tù này tên là Thanh Trì, gần Hà Nội. Trại này do Pháp xây từ lâu, dùng để nhốt những nhà Ái Quốc Việt Nam. Trần nhà tuy chỉ làm bằng xi măng nhưng ở phía trên đổ cát rất dầy (khoảng 1m), để tránh hỏa hoạn và cũng để tù nhân không có cách trốn thoát.
Khoảng một năm sau, bọn chúng chuyển tôi đi trại Thanh Nghiệp ở Hà Đông, rồi qua trại Thanh Phong ở Lào Kay.
Từ năm 69 tới 72 thì tôi ở trại Vĩnh Phú. Ở đây, bọn chúng cho chúng tôi ở trong phòng biệt giam, mỗi phòng có từ 1 tới 7 người. Trại giam làm bằng cây, mái rơm. Mỗi phòng cách nhau bắng một tấm phên, chúng tôi không còn bị cùm chân nữa, được cho làm công việc như đan, lát ở trong phòng. Tôi lợi dụng nghề đan lát này cùng với thân hình nhỏ con để cắt một lỗ nhỏ ở tường ngăn mà chui qua phòng kế bên nói chuyện với anh em ở các toán khác. Khi trở về, tôi để tấm phên đã cắt vào lỗ rồi dùng tài đan chúng lại với nhau, không ai có thể biết là chỗ này đã bị cắt và đan lại. Nhờ cách thức di chuyển này mà tôi mới gặp được những anh em biệt kích khác, từ đó, tôi mới biết toán của tôi, ai còn ai mất? Đinh Viết Lam đã tử trận ngay trận giao tranh đầu tiên, 6 người còn lại, kể cả tôi, đều bị bắt. Có hôm, vào buổi tối, tôi đã lần mò tới tận trại của bọn cai tù mà nghe lén chúng bàn bạc công tác với nhau rồi về báo lại cho anh em biết mà đề phòng. Cũng vì cái tài cắt tường bò đi khắp mọi nơi, anh em biệt kích mới đặt cho tôi cái tên: “Chuột Nhắt”
Thời gian ở Vĩnh Phú cũng là thời gian tốt nhất cho anh em biệt kích chúng tôi chỉnh đốn lại đội ngũ đã có từ trước, đoàn kết với nhau, khích lệ nhau mà sống. Khẩu hiệu của chúng tôi là:
“Biệt Kích vẫn làm nhiệm vụ của mình”
Chúng tôi được đưa về Bắc làm nhiệm vụ đầu cầu, mặc dù chúng tôi đã bị bắt, không làm được gì nữa, nhưng chúng tôi lợi dụng thời gian này để bảo tồn lực lượng, giữ gìn sức khỏe, giữ vững lập trường chống cộng và chờ thời cơ. Khi nào đại quân miền Nam tiến về Bắc, chúng tôi sẽ bung ra làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiêu diệt những hạ tầng cơ sở của bọn Cộng Sản phi nhân.
Muốn đạt được những mục đích trên, việc đầu tiên chúng tôi quan tâm là, không để cho bọn CS chèn ép, đàn áp chúng tôi. Muốn như vậy, chúng tôi cố gắng không phạm những lỗi lầm mà bọn VC đã đặt ra, ghi trong “Quy Luật Của Trại Giam”. Nếu có ai trong chúng tôi lỡ phạm lỗi, chúng tôi yêu cầu được đưa họ lên gặp trưởng toán, trưởng trại của chúng tôi để họ bị phạt, chứ không để bọn cán bộ VC tự ý phạt theo ý muốn của chúng. Dĩ nhiên, hình phạt của chúng tôi phải gắt gao hơn hình phạt của bọn VC, để vửa lấy lòng tin của bọn chúng, vừa giữ được kỷ luật của biệt kích.
Mỗi khi bọn Việt Cộng muốn giao một nhiệm vụ gì đó cho từng cá nhân, mỗi người chúng tôi đều tìm cách báo lại cho trưởng toán để cho họ biết hoặc để xin ý kiến.
Mỗi khi bọn VC muốn cả trại chúng tôi làm một công tác nào đặc biệt, tất cả anh em biệt kích sẽ họp lại với nhau cùng quyết định có nên làm hay không? Nếu không làm, chúng tôi hoặc là đề nghị thẳng với bọn chúng một phương pháp khác, hoặc là làm bộ khai bịnh để làm chậm lại kế hoạch của chúng. Tuy nhiên, khi đã quyết định đồng ý làm, chúng tôi làm việc cật lực, chu toàn nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.
Vì tinh thần kỷ luật, vì tinh thần trách nhiệm của chúng tôi mà bọn VC rất nể nang anh em biệt kích, không dám hạch sách đầy đọa chúng tôi. Đối với bọn VC, chúng tôi vẫn còn là một quân bài để bọn VC dùng để đổi chác khi cần đến. Hơn nữa, chúng vẫn sợ bóng sợ gió chúng tôi: Nếu đàn áp chúng tôi, một khi đại quân Miền Nam ra tới nơi, chíng chúng tôi sẽ là những người đầu tiên tiêu diệt bọn chúng. Vì thế, bọn VC để yên cho chúng tôi sống.
Vào những năm 72 – 73, chúng tôi được chuyển về trại “Quyết Tiến” ở Hà Giang. Khi tin tức về hòa đàm Ba Lê trở nên nóng hổi, bọn cai tù thỉnh thoảng tập trung chúng tôi lại, cho nghe thông tin về diễn tiến của hòa đàm này. Tin đưa ra là anh em chúng tôi sẽ được trao trả đầu tiên khi hòa đàm được ký kết, làm chúng tôi nôn nóng hết sức. Đã có lần, anh em chúng tôi được phát mỗi người một bộ quần áo nâu, tập họp đem theo hành lý để sửa soạn được đưa đi trao đổi. Nhưng cuối cùng, bọn chúng lại đưa chúng tôi về,với lý do là “Chiến tranh còn tiếp diễn, không thể trao đổi tù binh.”
Mặc dù cuộc trao đổi tù binh không thành sự thật, nhưng trong tương lai có thể sẽ có những cuộc trao đổi khác, do đó, bọn VC đã thay đổi thái độ với chúng tôi. Chúng để yên cho chúng tôi tự coi sóc, tự chỉ huy lẫn nhau, miễn là chúng tôi không vi phạm nội quy của trại.
Hy vọng của chúng tôi cứ như thế mà tăng cao lên, cho tới năm 1975, khi bọn chúng một lần nữa tập họp chúng tôi lại, cho nghe radio:
Miền Nam đã đầu hàng!
Chúng tôi không thể nào tin vào những gì vừa mới nghe qua đài phát thanh!
Bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu hy vọng đã tan thành mây khói. Nhìn bọn VC ôm nhau nhẩy múa ăn mừng chiến thắng mà lòng chúng tôi tan nát.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lúc chúng tôi ra đi, đã thật là hùng mạnh, đầy đủ khả năng Bắc Tiến! Tại sao cả một quân lực như vậy mà lại thua trận, đầu hàng?
Từ khi bị bắt, chúng tôi vẫn vững lòng tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng, nên đã cố sống hùng sống mạnh chờ thời cơ. Nay thời cơ đã tiêu tan, chúng tôi bám víu vào cái gì nữa để mà sống đây?
Chúng tôi ôm nhau khóc sướt mướt. Tinh thần chúng tôi xuống đến mức thảm hại.
Đã có người nghĩ đến tự tử. Tôi cũng nghĩ tói điều này. Nhưng cũng may, đa số anh em chúng tôi đều theo đạo công giáo, việc tự tử coi như là đã phạm giới luật của Thiên Chúa, nên anh em chúng tôi đã tìm sức sống trong tiếng kinh cầu nguyện. Cả một tuần lễ, chúng tôi không ra ngoài làm lao động, không hội họp, chỉ lặng thinh nhìn nhau. Bọn Việt Cộng bây giờ không còn sợ bị “Bắc Tiến” nữa, không sợ bị chúng tôi trả thù nữa, nhưng cũng không dám đụng chạm gì tới tụi tôi lúc này.
Một thời gian sau, có tin những sĩ quan biệt kích của chúng tôi được đưa về trại “Cổng Trời” nơi chúng tôi đang ở. Tôi được biết có 3 sĩ quan cùng nhẩy ra Bắc với chúng tôi, đó là Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện, Đại Úy Rạng và một Thiếu Úy mà tôi không nhớ tên. Cả ba sĩ quan này, tuy được đưa về cùng trại với chúng tôi, nhưng ở khu “Biệt giam”. Chúng tôi rất quý mến những vị sĩ quan này, vì ngoài cương vị là cấp chỉ huy, họ còn là những nguời lớn tuổi hơn chúng tôi, nhất là Đại Úy Luyện, ông không những là một cấp chỉ huy, lại còn là huấn luyện viên của chúng tôi nữa, nên ai cũng biết ông và rất kính nể ông.
Từ khi biết những sĩ quan này về cùng trại, hầu như tất cả anh em biệt kích chúng tôi đều tìm dịp đi ngang lán của ông, nghiêm trang đứng chào ông, dù là không biết ông có nhìn thấy chúng tôi hay không? Mỗi lần như vậy, ông đều tìm cách báo cho chúng tôi biết bằng cách ho lên đánh tiếng, đọc một câu thơ, hoặc ném một cục đá nhỏ về phía chúng tôi. Mặc dù luật biệt giam của bọn VC cấm chúng tôi không được lảng vảng quanh khu biệt giam và cấm người bị biệt giam liên lạc với người bên ngoài, chúng tôi vẫn tìm cách tiếp tế cho ông và ông cũng luôn luôn tìm cách liên lạc với chúng tôi. Biết tinh thần anh em chúng tôi đang xuống rất thấp, ông đã tìm đủ mọi cách viết thư ra, cổ võ tinh thần chúng tôi. Ông khuyên chúng tôi hãy ráng sống, chờ ngày về đoàn tụ với gia đình.
Năm 1978, khi chúng tôi đang ở Tuyên Quang, nghe tin bọn Việt Cộng và Trung Cộng sắp đánh nhau, đã có một số biệt kích gốc Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch tìm đường trốn về Trung Cộng. Những người này nhắn lại với anh em là sẽ dẫn đường cho quân Trung Cộng qua giải thoát tất cả biệt kích. Họ có trốn về được tới Trung Cộng hay không? Chúng tôi hoàn toàn không có tin tức gì cả, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả anh em chúng tôi đều được chuyển về trại “Lam Sơn” và “Lý Bá Sơ” ở Thanh Hóa. Lúc này cũng là lúc Trung Cộng đã tràn quân qua biên giới giao chiến với bọn Cộng Sản.
Biết rằng chúng tôi đã không còn là mối nguy hiểm cho chúng nữa, bọn VC đã thả lỏng chúng tôi đôi chút. Bọn chúng đã không những không canh giữ chúng tôi nghiêm ngặt, mà lại còn cho chúng tôi ra ngoài trại làm việc nữa.
Lần đầu tiên được ra ngoài làm việc, chúng tôi cảm thấy thật là thoải mái. Đi giữa những khu rừng dầy đặc, chúng tôi cảm giác thật là quen thuộc, dù là chưa bao giờ được tới nơi này. Chúng tôi được huấn luyện để sống ở trong rừng mà!
Được tiếp xúc với dân, chúng tôi mới thấy cuộc sống của họ thật là khổ cực, nghèo nàn: Suốt ngày lam lũ, làm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa xiêu vẹo đổ nát. Anh em chúng tôi đã tìm cách giúp đỡ cho dân, bằng cách tự bỏ quên nhưng món đồ nghề như dao, búa, cưa, đục . . . ở gần nhà của họ, để cho họ có đồ mà xài. Cũng có khi chúng tôi kéo nhau vài ba đứa tự chặt cây, sửa lại cột kèo, lợp lại mái nhà cho họ. Những người dân này lúc ban đầu không biết chúng tôi là ai? Họ trả ơn chúng tôi bằng những củ khoai lang hoặc một ít gạo. Nhưng chúng tôi không lấy, vì biết rằng họ rất là nghèo.
Một thời gian sau nữa, bọn VC đã đem những người “Tù Hình Sự” sát nhập vào với chúng tôi (Tù Chính Trị). Đám tù hình sự này, đương nhiên toàn là những thứ “Khó xài” đối với bọn VC, nhưng riêng đối với chúng tôi, chúng tôi đối xử với họ một cách công bằng, tôn trọng lẫn nhau. Bọn họ tuy thuộc loại “Ba đá”, nhưng đã “Nghe Danh” chúng tôi, vì mỗi khi có xung đột xẩy ra, chúng tôi bênh nhau kỹ càng, dợt bọn chúng te tua ngay lập tức. Và nếu họ bị bọn VC đánh đập đối xử bất công, chúng tôi bênh vực họ ngay lập tức. Do đó, họ rất e dè, nể phục chúng tôi.
Khi được giao nhiệm vụ nấu và chia phần ăn cho cả trại, chúng tôi đã tự chế ra cái “Cân Tiểu Ly” bằng cách dùng một đòn ngang buộc cục đá ở đằng đầu và ở phần giữa có một cái giỏ để chén cơm vào đó rồi treo lên xà ngang. Mỗi lần chia cơm, ai cũng phải có phần bằng nhau, không thêm bớt một hột: Trước mặt mọi người, chúng tôi xới đầy một chén cơm, móc vào giỏ và thay đổi vị trí cho tới khi chén cơm nằm ngang hàng, cân bằng với cục đá. Người trưởng toán đánh dấu và cột chặt vị trị cái giỏ lại. Mỗi người tự đem chén bát (cùng một thứ do trại phát) tới để được xới cơm vào bát, đem để lên cân. Người trưởng toán tùy theo vị trí của cái cân mà thêm bớt phần cơm cho đến khi cân được thăng bằng. Tới khi đó, người lãnh cơm, nếu bằng lòng, sẽ tự lấy cái chén của mình ra để tới phiên người khác.
Phát cơm theo kiểu này, rất lâu, nhưng lại rất công bằng, không có ai phàn nàn tranh cãi. Chúng tôi nghe tin các trại khác cũng muốn bắt chước chúng tôi, nhưng họ không thành công, vì người chia cơm và toán trật tự đã không được mọi người nể vì, xáo trộn vẫn xẩy ra mỗi khi chia cơm. Bọn VC lúc đầu, rất thán phục cách thức làm việc của chúng tôi, nhưng sau đó, bị cấp trên khiển trách là chúng tôi đã làm xấu mặt chế độ tới nỗi đem từng hột cơm ra mà đong, mà đếm, chúng đã không cho chúng tôi dùng cái “Cân Tiểu Ly” này nữa. Nhưng, nếu không làm như vậy, chắc chắn sẽ có khiếu nại, vì người nào cũng nghĩ rằng chén cơm của mình ít hơn chén cơm của người khác, do đó, chúng tôi vẫn cứ dùng, bọn VC không có cách nào khác hay hơn, nên đã không can thiệp tới việc chia cơm nữa.
Đã có một lần, một người đàn bà già yếu, bị bệnh chết trong nhà mà không có thân nhân chôn cất. Bọn chính quyền sở tại không cho hòm mà cũng không giúp phương tiện chôn cất, dân trong thôn không còn cách nào khác, cứ để cái xác xình thối ra đó, không ai dám đi ngang khu vực này nữa. Một biệt kích tên Nguyễn Văn Tâm (Tâm Sún) biết chuyện này, đã tự tìm ván đóng hòm, bốc cái thây ma xình thối đó mà đem chôn tử tế. Dân làng biết ơn, đem cúng anh một con gà và một lít rượu (đó là những món hàng xa xỉ phẩm). Anh chỉ cuời chứ không nhận, Sau này, khi được biết anh Tâm và đám chúng tôi là những “Biệt Kích Miền Nam” dân chúng rất là quý mến chúng tôi. Từ những lúc đầu tiên, mỗi khi nói chuyện, họ đứng sau bức tường hoặc sau lũy tre để nói chuyện, họ đã trực tiếp giáp mặt chúng tôi, gọi chúng tôi với cái tên đặc biệt:
“Anh Biệt Kích Miền Nam”
Một cách rất quý mến, trân trọng.
Và đó cũng là niềm khích lệ lớn cho chúng tôi. Ít ra, nếu không chịếm lại được miền Bắc, chúng tôi cũng chiếm được NHÂN TÂM của người miền Bắc.
Lúc này là vào khoảng năm 1979, bọn VC đã không còn sợ chúng tôi vượt thoát, không sợ chúng tôi trả thù, lại được chúng tôi giúp đỡ làm những công việc mà bọn chúng không thể làm (xây nhà, đóng bàn ghế . . . ) nên bọn VC đã hầu như thả lỏng chúng tôi, cho chúng tôi tự do đi lại trong khu vực từ 3km tới 5km chung quanh trại giam. Trừ súng đạn là chúng tôi không được đụng tới thôi, chứ còn bất cứ dao kéo kìm búa nào chúng tôi cũng có quyền sử dụng. Khi nghe tin những Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị chúng đem ra Bắc giam giữ gần trại chúng tôi, chúng tôi cũng đã tìm cách gặp mặt, nói chuyện với họ để biết thêm tin tức và để . . . ngắm lại người Miền Nam mà đã hơn mười năm qua, chúng tôi không được gặp gỡ. Mặc dù họ không phải là . . . Đại Quân Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc như chúng tôi hằng mong ước, nhưng họ cũng là những người lính mà chúng tôi ngưỡng mộ. Ít ra, họ đã chiến đấu tới cùng, đã hoàn tất những công việc mà họ đã phải làm. Chúng tôi tự đặt ra nhiệm vụ phải bảo vệ những vị sĩ quan bị tù đầy này, dù họ không phải là cấp chỉ huy trực tiếp của chúng tôi, nhưng cũng là người lính của QLVNCH như chúng tôi. Khi nghe tin bọn VC quản giáo áp đặt những hình phạt quá khắt khe với những vị sĩ quan này, chúng tôi tuy không thể trực tiếp can thiệp, nhưng đã gián tiếp can thiệp, bằng cách từ chối không giúp đỡ bọn cai tù trong những công việc cần làm, nên bọn chúng cũng biết mà nới lỏng gọng kìm đối với nhưng nguời anh em kia của chúng tôi.
Nhất là, khi được biết thân nhân của các vị sĩ quan khi đã vượt cả ngàn dặm đường xá xa xôi tới thăm cha, chông, con bị giam ở nơi rừng núi trùng điệp này, đã bị hoặc là dân chúng, hoặc là bọn tù hình sự, hoặc là đám quản giáo đón đường cướp bóc hoặc bắt trả giá gánh gồng thật cao, chúng tôi đã yêu cầu bọn quản giáo cho phép giúp đỡ những người đi thăm này. Chúng tôi đã ra khẩu hiệu: Các thân nhân đi thăm tù cũng là thân nhân của Biệt Kích, ai đụng tới những người này, nhẹ thì “Máu Đổi Máu” nặng thì “Mạng Đổi Mạng” nên không ai còn dám . . . dỡn mặt với “Biệt Kích Miền Nam” nữa. Chúng tôi tự dựng lên những căn nhà lá cho các thân nhân này có chỗ nghỉ qua đêm an toàn, chúng tôi cũng tự đóng những chiếc “Xe Trâu” để chở đồ thăm nuôi cho các vị sĩ quan đang bị tù đầy.
Tình Huynh Đệ Chi Binh của chúng tôi là như thế đó.
Những thân nhân của các vị này được chúng tôi giúp đỡ, cũng đã nghĩ ra cách đền đáp chúng tôi, họ đã tự hỏi chúng tôi:
“Các anh có muốn viết thư về cho gia đình hay không? Chúng tôi sẽ đem về tận nơi cho thân nhân các anh!”
Câu nói đầy tình nghĩa này đã làm cho chúng tôi thật cảm động. Chúng tôi cũng muốn như vậy, nhưng không dám nói ra, vì biết rằng đường xá xa xôi, không dễ gì tới nơi được. Hơn nữa, gia đình chúng tôi không biết có còn ở chỗ cũ hay không? Đã hơn mười năm qua rồi, chúng tôi ra đi vì nhiệm vụ bí mật, không hề nói ra nửa lời cho gia đình vợ con biết. Nay thời thế đã đổi thay, vật đã đổi, sao đã dời, làm thế nào để biết người vợ của mình có còn chờ đợi mình hay không?
Tôi đã suy nghĩ, thôi thì cứ để giòng đời trôi qua đi. Khi nào được trở lại nhà hẵng hay.
Nhưng một số anh em khác cũng đã viết thư về cho gia đình. Đã có một số vợ con của Biệt Kích ra thăm chồng. Tôi cũng được tin của gia đình, do một thân nhân của bạn bè tự đi tìm dùm, nhưng là một tin không vui: Gia đình tôi đã dời đi đâu không ai tìm được. Tôi không buồn, vì đã đoán biết được thế sự như vậy.
Vào một ngày của năm 1982, tôi được bọn VC kêu lên báo tin được trả tự do. Tôi đứng lặng người một lúc rồi mới cám ơn để trở về thu xếp đồ đạc.
Tôi trở về Tam Hiệp Biên Hòa sống những ngày còn lại. Tôi đã gặp lại vợ con tôi và làm đủ mọi công việc để mưu sinh. Cha xứ và mọi người trong họ đạo hết lòng giúp đỡ tôi trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bọn công an luôn luôn làm khó dễ tôi.
Cuối cùng, tôi chịu không nổi, phài tìm đường vượt biên. Tôi và đứa con trai út tìm đường bộ, đi từ Việt Nam qua Căm Bốt rồi tới Thái Lan. Khi phái đoàn Mỹ phỏng vấn tôi, hỏi tôi có muốn qua Mỹ hay không? Tôi đã trả lời:
“Người Mỹ không tốt với chúng tôi, tôi không qua Mỹ đâu.
Tôi chọn Úc, và đã sống một cuộc sống tự do, bình thản cho tới hôm nay, cho tới mãn đời của tôi.
NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI, LÀ THẾ ĐẤY!

Anh hùng Vô danh: Chiến sĩ của Nha Kỹ Thuật



Orlando, Florida.- Nha Kỹ Thuật là một cơ quan tình báo chiến lược của QLVNCH. Đây không phải là một đơn vị tình báo thuần túy như Quân báo hay Phòng 2/TTM. Danh từ Nha Kỹ Thuật thật ra chỉ là cái tên, cái võ bề ngoài để che dấu nhiệm vụ hoạt động bí mật (underground-activities) không những đối Cộng Sản mà còn đối với các đơn vị bạn. Chính danh của Nha Kỹ Thuật/TTM là “Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ” (Unconventional Warfare). Bộ này được giao phó trách nhiệm thi hành những công tác đặc biệt, ngoại lệ hay bất quy ước, hoạt động song song với MACVSOG của Hoa Kỳ.

Vì “bí mật” nên khó có một ai tự nhận mình hiểu rõ cơ cấu tổ chức này. Theo tài liệu, cơ quan này được chính thức thành lập kể từ đầu năm 1964 và tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng Tư năm 1975. Sự thực thì công tác điệp báo quan trọng tại miền Bắc đã khởi sự thực hiện vào đầu năm 1961. Nhân viên điệp báo hoạt động dưới hình thức cá nhân hay từng nhóm nhỏ và được tổ chức dưới trách nhiệm của Sở Khai Thác Địa Hình/Phòng E để việc phối hợp và yểm trợ được dễ dàng và hữu hiệu hơn.

Vào năm 1964 Phòng E được tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt, được tổ chức thành Sở Khai Thác, sau đó sở Khai Thác được cải danh là Sở Kỹ Thuật . Vào năm 1965 Sở Kỹ Thuật được nâng lên thành Nha Kỹ Thuật cho phù hợp với tổ chức và nhiệm vụ.

Về tổ chức, ngoài Bộ Chỉ Huy, Nha Kỹ Thuật có chín sở, gồm hai Sở Tác Chiến (Sở Liên Lạc và Sở Công Tác) còn các sở còn lại là yểm trợ hay chuyên môn. Ngoài ra Sở Tâm Lý chiến tuy là một cơ cấu tham mưu nhưng được giao phó nhiều kế hoạch tâm lý chiến đặc biệt như điều hành các hệ thống phát thanh mật. Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng tại Long Thành đảm trách việc huấn luyện cho nhân viên công tác.

Tổ chức và nhiệm vụ của Nha Kỹ Thuật/TTM được thay đổi theo nhu cầu tình báo cũng như tình hình quân sự và chính trị, đặc biệt là đường lối của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tại VN. SOG (Studies Operation Group) thuộc MACV được thành lập để thay thế cho cơ quan tình báo Combined Studies , có nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và yểm trợ cho Nha Kỹ Thuật trong mọi nhu cầu cần thiết để thi hành các cuộc hành quân đặc biệt.

Cơ quan MACV/SOG cũng tổ chức các toán hành quân riêng, do quân nhân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt HK chỉ huy công tác vượt biên. Hai cơ quan MACVSOG và Nha Kỹ Thuật đã hợp tác mật thiết tại Bộ Chỉ Huy Nha cũng như tại các đơn vị trực thuộc trong suốt thời gian từ 1964 đến 1972, như chương trình OPLAN 34 (Nhảy Bắc, trước năm 1964) và OPLAN 35 (sau năm 1964). Sau đây là một vài công tác đặc biệt quan trọng của Nha Kỹ Thuật/TTM được MACVSOG yểm trợ và phối hợp hoạt động.

1.Công tác Không Vận Dài Hạn tại Miền Bắc: MACVSOG phối hợp với Nha Kỹ Thuật tiếp tục các hoạt động tình báo xâm nhập miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ thu thập và báo cáo tin tức tình báo, các toán sẽ được giao phó công tác phá hoại và đánh phá các mục tiêu quân sự. Nhiều toán đã mất liên lạc ngay sau khi xâm nhập hoặc chỉ liên lạc với TrungƯơng trong một thời gian ngắn. Một số đã bị bắt nhưng vẫn duy trì liên lạc trong một thời gian dưới sự điều động và kiểm soát của CS.

Các toán nhỏ đã xâm nhập hoạt động tại miền Bắc trong kế hoạch tình báo đặc biệt dài hạn. Biệt kích miền Nam đã xâm nhập nhiều khu vực quan trọng tại vùng Đông Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu… Kế hoạch, đã gây nhiều xáo trộn và lo lắng cho CS Bắc Việt.

2.Công Tác Không Vận Ngắn Hạn tại miền Bắc: Năm 1967 Nha Kỹ Thuật/SOG đặt kế hoạch tổ chức các toán hành quân ngắn hạn. Mục tiêu được ấn định là từ vĩ tuyền 17 đến vĩ tuyến 20, khoảng 120 dậm. Tùy nhiệm vụ, toán có thể 4-8 nhân viên để dễ dàng xâm nhập và triệt xuất. Thời gian hành quân có thể kéo dài từ 15 đến 30 ngày. Nhiệm vụ chính là quan sát và báo cáo mọi tin tức liên quan đến hoạt động của các đơn vị CS. Nhiệm vụ phụ là đặt mìn cá nhân, bắt cóc tù binh để khai thác tin tức và rải tài liệu tâm lý chiến trong vùng hành quân. Phương tiện xâm nhập và triệt xuất là trực thăng CH3 do các phi hành đoàn HK đảm trách. Đa số các phi vụ yểm trợ đặt tại Thái Lan.

3.Công tác Vượt Biên - Vào những năm 1964-1965 Bắc Việt ồ ạt đổ quân vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, dọc theo hành lang biên giới Lào-Việt và Miên-Việt. Do đó Bộ TTM và MACV quyết định tổ chức những cuộc hành quân vượt biên để quan sát và chỉ điểm mục tiêu giúp các cuộc oanh kích của Không lực HK, đặc biệt B52 được thực hiện chính xác hơn.

4. Công tác đặc biệt ngắn hạn, công tác này đựơc giao phó với nhiệm vụ tổ chức các cuộc hành quân thám sát và phá rối hậu tuyến địch. Mặc dầu thường xuyên đụng độ địch sau khi xâm nhập, các toán công tác đã thâu lượm và báo cáo nhiều tin tức tình báo có giá trị.

5.Công tác Hải Vận - Sở Phòng Vệ Duyên Hải: Được chính thức thành lập năm 1964, ngoài công tác không vận, cơ quan tình báo HK còn phối hợp và yểm trợ kế hoạch xâm nhập nhân viên điệp báo, hoạt động nằm vùng tại Bắc Việt bằng đường biển. Lúc đầu phương tiện hải vận xâm nhập vào khu vực mục tiêu bằng thuyền máy. Sau đó thuyền máy được thay thế bằng những chiến đỉnh .


6. Công tác Tâm lý chiến. Sở Tâm Ly chiến là một tổ chức rộng lớn và quan trọng, có trách nhiệm điều động một hệ thống tâm lý chiến và phát thanh mật. Kế hoạch bao gồm nhiều công tác yểm trợ trực tiếp cho phong trào “Gươm Thiêng Ái Quốc”, là một mặt trận “giả tưởng”, xuất phát từ miền Bắc. Đài Gương Thiêng Ái Quốc là một trong nhiều đài thuộc hệ thống phát thanh mật. Đài “Tiếng Nói Tự Do” là một hệ thống phát thanh hướng về Miền Bắc. Hai đài được thiết lập ở Vùng I Chiến Thuật. Đàì phát tuyến ở Thanh Lam, Huế và Cồn Tre ở Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17. Hai đài có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm toàn lãnh thổ miền Bắc, vượt khỏi vùng biên giới Hoa -Việt.

Sau Tết Mậu Thân, HK muốn xúc tiến hòa đàm với CS Bằc Việt nên toàn bộ công tác đặc biệt ở miền Bắc phải chấm dứt cuối Tháng 3, 1968, ngay sau khi HK quyềt định ngưng oanh tạc Bắc Việt..

Tinh thần anh dũng cũng như sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Nha Kỹ Thuật thực sự không thể diễn tả được bằng lời nói hay bằng ngòi bút. Họ là những người đã âm thầm hoạt động trong bóng tối, âm thầm bảo vệ đất nước, quê hương VN bằng những việc làm phi thường, ngoài sự hiểu biết của mọi người. Nhân dân Việt Nam không mấy ai biết rõ về công lao đóng góp xương máu của họ, cũng chưa một ai, có một lời nhắc nhở hay vinh danh họ. Họ thực sự là NHỮNG ANH HÙNG VÔ DANH:

“ Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…”

Chiến Sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc từ đâu mà ra


Những chiến sĩ biệt kích thuộc Toán Strata trước ngày xâm nhập ra Bắc vào Tháng Mười Một, 1967. (Hình: Biệt Kích Nhảy Bắc cung cấp)
Bài II: Chiến Sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc từ đâu mà ra

Nguyên Huy/Người Việt

Nơi tuyển mộ, huấn luyện, đào tạo những người chiến sĩ can trường Biệt Kích Nhảy Bắc là Nha Kỹ Thuật, hậu thân của Sở Kỹ Thuật có tiền thân là Sở Bắc trong thời Ðệ I VNCH.

Sự thành lập cơ quan “tình báo chiến lược” của VNCH này phát xuất từ giới lãnh đạo thượng đỉnh Hoa Kỳ, thời chính phủ Kennedy. Theo những tài liệu đã được bạch hóa thì vào năm 1962, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy quyết định chuyển giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động bí mật chống Hà Nội từ CIA sang cho Bộ Quốc Phòng. Một đơn vị đặc biệt của Lầu Năm Góc được giao phụ trách và được trực tiếp chỉ huy bởi Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân. Tổ chức trực tiếp thi hành tại Việt Nam là cơ quan SOG trong MACV. Thế có nghĩa là hoạt động chiến tranh bí mật chống Hà Nội trước đó do CIA thực hiện thì nay được chuyển sang Bộ Quốc Phòng, quân sự hóa hoạt động tình báo này.

SOG có bốn nhiệm vụ là:

- Cài các toán gián điệp và chỉ đạo các toán ấy làm sao để tạo ra một chiến dịch nghi binh phức tạp trong đó có cả việt tuyển mộ tù binh của quân đội Bắc Việt Nam.

- Thực hiện chiến tranh tâm lý chống miền Bắc bằng cách dựng nên một phong trào chống đối giả ở Bắc Việt Nam, bắt cóc và tuyên truyền công dân Bắc Việt Nam, điều hành các đài phát thanh đen, phân phát các tài liệu tuyên truyền, viết giả các lá thư và các tài liệu giả hiệu khác.

- Trên biển: Bắt giữ và phá hủy các tàu hải quân và thuyền đánh cá của Bắc Việt Nam (các hợp tác xã ven biển) đồng thời tập kích phá hoại các cơ sở quân sự và dân sự cũng như rải các truyền đơn, tài liệu chống phá chính quyền CSBV.

- Rải các toán thám báo người dân tộc tại biên giới Lào-Việt, phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh để ngăn cản hoạt động hậu cần của Bắc Việt cho những đơn vị bộ đội thẩm nhập vào Nam. Hoạt động thám báo này bao gồm luôn việc xác định mục tiêu không kích, bắt cóc bộ đội, đặt máy nghe trộm và rải các tài liệu chiến tranh tâm lý.

Theo một số tài liệu được kê ra trong các cuốn “Secret Army, Secret War” và “Secret War Against Hanoi” của hai tác giả Sedgwick Tourison và Richard H. Shultz thì “các chính quyền Kennedy và Johnson muốn gây áp lực với Hà Nội và làm đúng những gì mà họ đang thực hiện đối với đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.

Ðối với người Việt Nam, nhất là những người di cư từ miền Bắc, ai cũng hiểu rằng, trước sau gì rồi Cộng Sản Bắc Việt cũng phải tìm cách đánh phá miền Nam trong ý đồ nhuộm đỏ Ðông Nam Á mà cộng sản quốc tế giao phó cho Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam. Bởi vì, ngay từ thời gian cuối năm 1954, khi phong trào di cư rầm rộ nổ ra với gần cả triệu người bỏ miền cộng sản về vùng quốc gia thì CSBV đã tung ra chiến dịch được gọi là “Chiếu cố miền Nam” gài những điệp viên vào hàng ngũ di cư đồng thời gài những cán bộ ở lại miền Nam, chỉ đưa ra Bắc một phần sau khi những người trong phần này đã dan díu tình cảm cụ thể với những thiếu nữ trong vùng họ hoạt động cốt để lại những cái “nhân” để sau này dễ bề “liên hệ” trong tình cảm gia đình.

Quả nhiên, sau năm 1956, chính phủ miền Nam không thực hiện việc hiệp thương vì không ký kết vào hiệp ước chia đôi đất nước, CSBV đã phát động ngay việc phá hoại miền Nam, một mặt đổ quân vào miền Nam hình thành đường dây 559, tức đường mòn Hồ Chí Minh. Mặt khác thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam vào Tháng Mười Hai năm 1960 để lừa dối dư luận thế giới. Sự lừa dối này không chỉ có kết quả với thế giới mà ngay với người Việt ở miền Nam cũng làm cho nhiều người tưởng thật. Khi đến khi cộng sản toàn thắng ngày 30 Tháng Tư, 1975, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam đã bị CSBV giải tán ngay.

Ðó là lý do các chính phủ Kennedy và Johnson thành lập và tiến hành cuộc chiến tranh “bất quy ước”, cuộc chiến tranh bí mật chống lại CSBV. Kế hoạch được vạch ra mang tên là 34A (viết tắt của chữ OPLAN 34) bao gồm tới 72 loại hoạt động với tổng số là 2,026 điệp vụ thực hiện trong năm 1964.

Kế hoạch được vạch ra nhưng để thực hiện thì gặp phải khó khăn là “không tìm ra người phụ trách có đủ tiêu chuẩn”. Ðó là chưa kể đến sự “miễn cưỡng bàn giao” của CIA về trách vụ này cũng như về phía đối tác là Quân Lực VNCH.

Tiêu chuẩn là gì? Ðó là những hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam, về cộng sản đã luồn sâu được vào tâm trí người dân Việt qua chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Trong khi phía CIA đã nhận được ra rằng, “Xã hội ở Bắc Việt Nam được tổ chức chặt chẽ, không có ai được nằm ngoài tổ chức. Ðó là một xã hội phải sống trong kỷ luật và chúng ta phải thực hiện các hoạt động chống lại họ...” (Lời nhận xét của Giám Ðốc CIA William Colby). Trong khi đó thì Bộ Quốc Phòng, với McNamara thì cho rằng, CIA đã rụt rè không dám hành động và chủ trương rằng phải làm một chiến dịch lớn hơn bằng cách tung thật nhiều toán biệt kích ra Bắc.

Và những toán biệt kích nhảy Bắc được hình thành nhanh chóng.

(Còn nữa) Ngày mai, Bài III, Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, nơi phát sinh những chiến sĩ biệt kích nhảy Bắc.

Biet Kich Nhay Bac / Nha Ky Thuat

Biệt Kích Nhảy Bắc trong cuộc chiến Việt Nam (bai III)

Hình bên: Toán Swan trong “Nhà An Toàn” tại Sài Gòn năm 1962. Từ trái, BK Nông Công Ðịnh, (toán trưởng tử trận), BK Lý A Nhì (hiện cư ngụ tại Dallas Fort Worth, Texas), BK Ðàm Văn Ngô (truyền tin), BK Ðàm Văn Tôn (tử trận), BK Nông Văn Hính (toán phó kiêm truyền tin, hiện cư ngụ tại Westminster, California). Còn thiếu một toán viên, không có trong hình là BK Mã Văn Ban (bị tử hình). (Hình: Biệt Kích Nhảy Bắc cung cấp)

Bài III: Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, nơi phát sinh những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc.

Nguyên Huy/Người Việt

Có thể nói những hoạt động của Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật-Bộ Tổng Tham Mưu-Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là nơi đã phát sinh ra những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc. Ðó là một bộ phận gồm nhiều quân nhân, phần lớn là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Công tác chính yếu của các sĩ quan này là đi tuyển mộ, lập thành những toán để được huấn luyện, thực hiện các chuyến hành quân thả người ra Bắc, theo dõi và điều hành công tác với những toán đã thả, lập chương trình thu hồi toán sau một thời gian được qui định (ngắn hay dài hạn).

Về việc tuyển mộ, các sĩ quan trưởng công tác thường xuyên liên lạc với các đơn vị trong quân đội, phòng hay ban quản trị để lục tìm hồ sơ các chiến sĩ, sĩ quan có đủ điều kiện gia nhập công tác. Những tiêu chuẩn thường là người miền Bắc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, những người theo Công Giáo, còn gia đình hay thân nhân ở lại ngoài Bắc sau năm 1954. Mặt khác, các sĩ quan trưởng công tác cũng nhờ các nhân sĩ trong cộng đồng sắc tộc, các nhà hoạt động chính trị, các vị linh mục giới thiệu cho những ai có lòng với đất nước và dân tộc. Sau khi được giới thiệu rồi, thường các sĩ quan trưởng công tác phải mất một thời gian làm quen, dọ ý các đối tượng. Sau khi đã biết chắc đối tượng thỏa thuận cộng tác, các đối tượng sẽ được chuyển về một nơi để làm thủ tục gia nhập.

Về việc huấn luyện, sau khi hoàn tất thủ tục, đối tượng được chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng ở Long Thành để được huấn luyện về nhiều môn (thường là 9 môn) trong đó có nhảy dù ngày và đêm, trèo cây, học sử dụng vũ khí (vũ khí từ các nước Tây Âu, tuyệt đối không có vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất), học về mưu sinh, thoát hiểm, học về truyền tin và học về tâm lý chiến (cách thực hiện truyền đơn thạch bản, cách thả truyền đơn bằng súng phóng...). Sau một thời gian được huấn luyện, các chiến sĩ biệt kích được chuyển vào Khu Cấm ở Long Thành chờ ngày xuất phát. Kể từ giờ phút này, người chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc không còn được có một liên lạc nào với bên ngoài. Chỉ một người duy nhất được tiếp xúc là sĩ quan trưởng công tác.

Từ lúc được tiếp xúc đến khi đi công tác, người lính Biệt Kích Nhảy Bắc thường phải qua một thời gian tương đối là một năm. Có toán kéo dài đến hai năm hay hơn và có thể sau cùng hủy bỏ, giải tán luôn, tùy theo tình hình và tin tức tình báo, an ninh. Cho đến thời gian vào Khu Cấm, những người lính Biệt Kích Nhảy Bắc luôn luôn tràn đầy nhuệ khí chiến đấu, công tác. Lý tưởng của tuổi trẻ lúc nào cũng rõ ràng trong tâm trí. Nhiều người cho biết rất nôn nóng được thả về quê hương bản quán, gặp lại người thân, bà con chòm xóm đã xa cách nhau 2, 3 năm trời kể từ khi di cư.

Họ mong muốn tạo được một phong trào nổi dậy chống độc tài Cộng Sản, mang lại cho bà con thân thuộc của họ cuộc sống ấm no như ở trong Nam. Họ vốn là những thành phần trẻ trong quân ngũ, nhiều người còn chưa rời khỏi ngưỡng cửa gia đình. Những phong trào chống Cộng mạnh mẽ được phát động trong dân chúng dưới thời chính phủ Ngô Ðình Diệm đã xây đắp cho họ lý tưởng, cho họ thấy được và hiểu được sự độc tài khát máu của chế độ Cộng Sản. Họ đã có được sự căm thù và họ cũng có được vị lãnh tụ anh minh là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm kiên quyết chống độc tài Cộng Sản. Nhiều người đã cương quyết ra đi chỉ vì lãnh tụ này. Nên khi cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, nổ ra, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị thảm sát thì một số lớn các toán đã từ chối không lên đường ra Bắc nữa vì, theo họ: “Chúng tôi ra Bắc chiến đấu vì tổng thống, nay tổng thống không còn, thì chúng tôi không đi nữa”. Ðó là các toán của trưởng công tác, Ðại Úy Michel vào đầu năm 1964.

Ðể tạm thời giải quyết vấn đề gần như “lãng công” trên, Sở Công Tác đưa một sĩ quan trẻ ngành tâm lý chiến mới ra trường xuống trung tâm Long Thành tìm cách làm yên lòng những người chống đối. Quả là một công việc ngoài sức của một chuẩn úy mới ra trường trong ngành tâm lý chiến. Nhưng may mắn làm sao, sau một buổi nói chuyện trong Khu Cấm, người sĩ quan trẻ tuổi này đã tạm thuyết phục được số anh em biệt kích chống đối.

Người sĩ quan này đã lý luận rằng: “Chúng ta chiến đấu cho đất nước Việt nam, cho dân tộc miền Bắc thoát khỏi gông cùm Cộng Sản chứ không phải chiến đấu vì một người, một chính phủ nào. Những chế độ chính trị, những chính phủ ví như những bộ áo khoác ngoài cho thân thể. Thân thể là quốc gia, là dân tộc. Thể chế chính trị, các chính phủ chỉ như những bộ áo quần khoác ngoài thân thể. Nên chính phủ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ nay thay bằng một chính phủ khác để cho được hợp lòng dân hơn cũng ví như chúng ta thay bộ quần áo mát khi Mùa Ðông đã hết, thì mục đích chiến đấu của chúng ta là quốc gia, là dân tộc vẫn còn đó có thay đổi gì đâu.”

Lý luận đó đã khiến nhiều anh em biệt kích suy nghĩ lại và sau cùng đã nhận lên đường.

Do từ nhu cầu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mà Bộ Trưởng Mc Namara quan niệm rằng: “Phải có một chiến dịch lớn hơn bằng cách tung thật nhiều toán biệt kích ra Bắc” nên công việc tổ chức Biệt Kích Nhảy Bắc được hai phía Việt-Mỹ khai triển mạnh. Trong khi đó, tác giả Richard H. Schultz, trong cuốn “Secret War Against Ha Noi,” cho biết rằng Trung Tá Ed Partain, chỉ huy chiến dịch OP 34, “chưa được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy công tác này” mặc dù ông ta là một sĩ quan ưu tú, tốt nghiệp từ quân trường nổi tiếng Westpoint của Hoa Kỳ. Vẫn theo Schultz trong cuốn sách trên thì cả những sĩ quan sau đó là Trung Tá Reginald Woolard và Robert Mc Lane cũng đều “không có chút kinh nghiệm gì về hoạt động này”. Còn về phía Việt Nam, khi người Mỹ muốn “xê ra để tao chống Cộng”, người Mỹ đã nắm hầu bao thì phía Việt Nam dù có kế hoạch hay ý kiến thay đổi gì cho phù hợp với tình hình thực tế miền Bắc trong nanh vuốt Cộng Sản, cũng khó lòng mà thực hiện được.

(Còn tiếp)

Ngày mai, Bài IV: Những hoạt động của Biệt Kích Nhảy Bắc được ghi nhận qua một số tài liệu đã được bạch hóa.