Tuesday, July 7, 2009
Chiến Sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc từ đâu mà ra
Những chiến sĩ biệt kích thuộc Toán Strata trước ngày xâm nhập ra Bắc vào Tháng Mười Một, 1967. (Hình: Biệt Kích Nhảy Bắc cung cấp)
Bài II: Chiến Sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc từ đâu mà ra
Nguyên Huy/Người Việt
Nơi tuyển mộ, huấn luyện, đào tạo những người chiến sĩ can trường Biệt Kích Nhảy Bắc là Nha Kỹ Thuật, hậu thân của Sở Kỹ Thuật có tiền thân là Sở Bắc trong thời Ðệ I VNCH.
Sự thành lập cơ quan “tình báo chiến lược” của VNCH này phát xuất từ giới lãnh đạo thượng đỉnh Hoa Kỳ, thời chính phủ Kennedy. Theo những tài liệu đã được bạch hóa thì vào năm 1962, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy quyết định chuyển giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động bí mật chống Hà Nội từ CIA sang cho Bộ Quốc Phòng. Một đơn vị đặc biệt của Lầu Năm Góc được giao phụ trách và được trực tiếp chỉ huy bởi Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân. Tổ chức trực tiếp thi hành tại Việt Nam là cơ quan SOG trong MACV. Thế có nghĩa là hoạt động chiến tranh bí mật chống Hà Nội trước đó do CIA thực hiện thì nay được chuyển sang Bộ Quốc Phòng, quân sự hóa hoạt động tình báo này.
SOG có bốn nhiệm vụ là:
- Cài các toán gián điệp và chỉ đạo các toán ấy làm sao để tạo ra một chiến dịch nghi binh phức tạp trong đó có cả việt tuyển mộ tù binh của quân đội Bắc Việt Nam.
- Thực hiện chiến tranh tâm lý chống miền Bắc bằng cách dựng nên một phong trào chống đối giả ở Bắc Việt Nam, bắt cóc và tuyên truyền công dân Bắc Việt Nam, điều hành các đài phát thanh đen, phân phát các tài liệu tuyên truyền, viết giả các lá thư và các tài liệu giả hiệu khác.
- Trên biển: Bắt giữ và phá hủy các tàu hải quân và thuyền đánh cá của Bắc Việt Nam (các hợp tác xã ven biển) đồng thời tập kích phá hoại các cơ sở quân sự và dân sự cũng như rải các truyền đơn, tài liệu chống phá chính quyền CSBV.
- Rải các toán thám báo người dân tộc tại biên giới Lào-Việt, phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh để ngăn cản hoạt động hậu cần của Bắc Việt cho những đơn vị bộ đội thẩm nhập vào Nam. Hoạt động thám báo này bao gồm luôn việc xác định mục tiêu không kích, bắt cóc bộ đội, đặt máy nghe trộm và rải các tài liệu chiến tranh tâm lý.
Theo một số tài liệu được kê ra trong các cuốn “Secret Army, Secret War” và “Secret War Against Hanoi” của hai tác giả Sedgwick Tourison và Richard H. Shultz thì “các chính quyền Kennedy và Johnson muốn gây áp lực với Hà Nội và làm đúng những gì mà họ đang thực hiện đối với đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.
Ðối với người Việt Nam, nhất là những người di cư từ miền Bắc, ai cũng hiểu rằng, trước sau gì rồi Cộng Sản Bắc Việt cũng phải tìm cách đánh phá miền Nam trong ý đồ nhuộm đỏ Ðông Nam Á mà cộng sản quốc tế giao phó cho Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam. Bởi vì, ngay từ thời gian cuối năm 1954, khi phong trào di cư rầm rộ nổ ra với gần cả triệu người bỏ miền cộng sản về vùng quốc gia thì CSBV đã tung ra chiến dịch được gọi là “Chiếu cố miền Nam” gài những điệp viên vào hàng ngũ di cư đồng thời gài những cán bộ ở lại miền Nam, chỉ đưa ra Bắc một phần sau khi những người trong phần này đã dan díu tình cảm cụ thể với những thiếu nữ trong vùng họ hoạt động cốt để lại những cái “nhân” để sau này dễ bề “liên hệ” trong tình cảm gia đình.
Quả nhiên, sau năm 1956, chính phủ miền Nam không thực hiện việc hiệp thương vì không ký kết vào hiệp ước chia đôi đất nước, CSBV đã phát động ngay việc phá hoại miền Nam, một mặt đổ quân vào miền Nam hình thành đường dây 559, tức đường mòn Hồ Chí Minh. Mặt khác thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam vào Tháng Mười Hai năm 1960 để lừa dối dư luận thế giới. Sự lừa dối này không chỉ có kết quả với thế giới mà ngay với người Việt ở miền Nam cũng làm cho nhiều người tưởng thật. Khi đến khi cộng sản toàn thắng ngày 30 Tháng Tư, 1975, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam đã bị CSBV giải tán ngay.
Ðó là lý do các chính phủ Kennedy và Johnson thành lập và tiến hành cuộc chiến tranh “bất quy ước”, cuộc chiến tranh bí mật chống lại CSBV. Kế hoạch được vạch ra mang tên là 34A (viết tắt của chữ OPLAN 34) bao gồm tới 72 loại hoạt động với tổng số là 2,026 điệp vụ thực hiện trong năm 1964.
Kế hoạch được vạch ra nhưng để thực hiện thì gặp phải khó khăn là “không tìm ra người phụ trách có đủ tiêu chuẩn”. Ðó là chưa kể đến sự “miễn cưỡng bàn giao” của CIA về trách vụ này cũng như về phía đối tác là Quân Lực VNCH.
Tiêu chuẩn là gì? Ðó là những hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam, về cộng sản đã luồn sâu được vào tâm trí người dân Việt qua chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Trong khi phía CIA đã nhận được ra rằng, “Xã hội ở Bắc Việt Nam được tổ chức chặt chẽ, không có ai được nằm ngoài tổ chức. Ðó là một xã hội phải sống trong kỷ luật và chúng ta phải thực hiện các hoạt động chống lại họ...” (Lời nhận xét của Giám Ðốc CIA William Colby). Trong khi đó thì Bộ Quốc Phòng, với McNamara thì cho rằng, CIA đã rụt rè không dám hành động và chủ trương rằng phải làm một chiến dịch lớn hơn bằng cách tung thật nhiều toán biệt kích ra Bắc.
Và những toán biệt kích nhảy Bắc được hình thành nhanh chóng.
(Còn nữa) Ngày mai, Bài III, Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, nơi phát sinh những chiến sĩ biệt kích nhảy Bắc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment